Đền thờ Bùi Thị Xuân được qui hoạch xây dựng trên khu đất mới có tổng diện tích 5.191 m2, trong đó diện tích xây dựng 178m2 tọa lạc tại khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn
Xếp hạng đánh giá
Giới thiệu
Bà Bùi Thị Xuân là người ở thôn Xuân Hòa, phía Nam sông Kôn, thuộc tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Bà là con gái của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Đắc Tuyên (giữ chứcThái sư dưới triều vua Cảnh Thịnh) bằng chú, gọi Bùi Thị Nhạn (một nữ tướng Tây Sơn “Ngũ Phụng thư”) là cô. Sinh trưởng trong gia đình khá giả, Bùi Thị Xuân sớm được học văn và học võ. Bà được biết tới là người có nhan sắc, viết chữ đẹp. Đến khi học võ với Đô thống Ngô Mạnh cũng nhanh chóng thành thạo môn song kiếm. Sau này, nhờ tài năng võ thuật, bà đã giải cứu Trần Quang Diệu (giữ chức Thái phó thời Tây Sơn) khi ông bị hổ tấn công. Trong quá trình Trần Quang Diệu trị thương tại Xuân Hòa, hai người thành vợ chồng và cùng tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.
Vợ chồng Bùi Thị Xuân- Trần Quang Diệu đều là dũng tướng. Khi ra trận, bà giương cao ngọn cờ “Tây Sơn dũng tướng” đánh quân Chúa Nguyễn nhiều trận thắng vẻ vang. Bùi Thị Xuân chiến đấu dũng cảm, nhưng không bao giờ giết kẻ đầu hàng, thua trận. Bà đã tha chết cho Nguyễn Ánh khi giao chiến với bà bị ngã ngựa. Khi về làm tướng Tây Sơn, bà đã xin với Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc thành lập đội quân nữ quản tượng, chỉ với 30 thớt voi và vài trăm người. Thời kỳ Tây Sơn làm chủ Đàng Trong, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế (hiệu Thái Đức) thì đội Tượng binh đã có 2000 người và 100 thớt voi, do Tổng quản Tây Sơn nữ tướng Bùi Thị Xuân chi huy. Bà chia tượng binh ra bốn lữ do bốn nữ phó tướng chỉ huy, những người nữ tướng này đều là các bậc anh hùng, được đời sau suy tôn là “Ngũ Phụng thư” để tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Bùi Thị Xuân được phong chức Đô đốc ngang hàng với Đô đốc Long, Vũ Văn Nhậm, Vũ Đình Huấn.. Trong trận đánh, bà tỏ rõ khí phách, luôn cưỡi voi dẫn đầu trước ba quân. Trận Hạ Hồi (Kỷ Dậu 1789), bà chỉ huy đội tượng binh xông thẳng vào đồn giặc, khiến quân Thanh kinh hoàng không kịp đánh trả, đạp lên nhau mà chạy. Năm 1972, vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn có sự chia phe cánh, Bùi Thị Xuân công minh không vào phe cánh hay gây thù oán với phe nào. Năm Tân Dậu 1801, Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân, đem quân đánh chiếm nam sông Gianh, quân Tây Sơn với 30.000 quân mở cuộc phản công lớn vào quân Nguyễn Ánh. Bùi Thị Xuân cưỡi voi đi đầu hàng quân, chiến đấu anh dũng, khích lệ lòng quân. Năm Nhâm Tuất (1802), bà chỉ huy 5000 quân đánh trận Trấn Ninh (Quảng Bình) làm quân Nguyễn Ánh khiếp sợ. Song, lực lượng quân Tây Sơn đã suy yếu, thủy quân bị Nguyễn Ánh đánh bại, bộ binh hoang mang nên tan rã nhanh chóng, Nguyễn Ánh chiếm được Trấn Ninh. Bùi Thị Xuân ở lại Nghệ An- Thanh Hóa chờ Trần Quang Diệu về hội quân. Hai vợ chồng tìm đường ra Bắc thì bị quân Nguyễn bắt.
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh trả thù rất dã man các vua cùng hoàng tộc, các tướng lĩnh và văn thần. Trước hình phạt bị voi giày, bà cùng cả gia đình vẫn hiên ngang bất khuất không quy phục Nguyễn Ánh. Cái chết lẫm kiệt của bà và sự trả thù hèn hạ của Nguyễn Ánh- Gia Long đối với nhà Tây Sơn khiến nhân dân đương thời căm phẫn. Nay ở thôn Phú Xuân, xã Bình Phú còn có nhà từ đường họ Bùi, nơi đây lưu giữ gia phả họ Bùi và một số kỷ vật của Bùi Thị Xuân. Hình ảnh nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân đã trở thành nữ anh hùng được lưu danh sử sách Việt.