Tháp Chăm Dương Long
Tháp Chăm Dương Long
Tháp Chăm Dương Long
Tháp Chăm Dương Long

Tháp Chăm Dương Long Yêu cầu

Xếp hạng đánh giá

Giới thiệu

Tháp Dương Long (Tháp An Chánh, Tháp Bình An, Tháp Ngà) được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, nay thuộc địa phận xã Tây Bình và xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tháp Dương Long là sự kết hợp hài hòa, giữa nghệ thuật kiến trúc Chămpa và Khmer. Hiện nay, trong khuôn viên di tích, ngoài ba tháp chính, còn có nhà trưng bày bổ sung với tổng diện tích khoảng 370m2, hệ thống tường rào, cổng chính mở về phía Đông theo hướng chính của ba tháp, cổng phụ mở về phía Bắc.

1. Tháp Giữa (Tháp trung tâm của di tích)

Tháp Giữa cao 38,81m, được xem là ngôi tháp gạch cao nhất ở Đông Nam Á. Tháp đã bị hư hại khá nhiều, vòm cửa chính và các cửa giả bị sụp đổ, chỉ còn một vài thanh đá còn đính lại trên thân, cửa giả phía Nam còn lại phần trụ cửa, tiền đường (tiền sảnh) cũng đã bị sụp đổ. Quanh các mặt tường tháp là các trụ ốp rộng bản, để trơn không trang trí hoa văn, mỗi mặt tường có 7 trụ, đầu trụ hơi loe ra và được gắn với những khối đá, trang trí thành nhiều băng giật cấp. Chân đế được ốp kín bằng những khối đá sa thạch với bình đồ vuông mỗi cạnh dài 16,5m, phần nhô ra của cửa giả 0,84m. Phần chân đế tháp đã được phát lộ hoàn toàn sau cuộc khai quật năm 2006, hiện trạng như sau:

Mặt phía Đông: phần đai ốp chân đế hiện chỉ còn một tầng dưới cùng ở cạnh phía Đông Bắc của tháp, được ghép từ 4 khối đá liền nhau cao 0,59m, không trang trí hoa văn. Phần nền cửa, đai ốp chân đế đã bị đào phá gần như toàn bộ, chỉ còn một phần nền bên trong sát với cửa ra vào.

Mặt phía Tây: chân đế gần như không còn thấy dấu vết nào của đai ốp trang trí phần chân tháp.

Mặt phía Bắc: kết quả khai quật cho thấy phần kiến trúc đá ốp chân đế cửa giả gần như được giữ nguyên vẹn, phần đai ốp còn lại đoạn cao nhất với 3 hàng đá, cao 1,54m.

Hoa văn trang trí trên đai ốp có một số đoạn trong tình trạng làm dở dang, cho thấy các nghệ nhân xưa đã sử dụng kỹ thuật thủ công để trang trí hoa văn và công đoạn này được thực hiện sau khi đưa các đai đá vào vị trí, không phải là trang trí trước rồi mới gắn trên tháp.

Mặt phía Nam: so với các tháp khác, đai ốp chân đế phía Nam tháp Giữa còn nguyên vẹn nhất. Hiện tại phần đai ốp ở cuối sát với mặt phía Tây của tháp đã bị mất chỉ còn lại phần gạch bên trong.

2. Tháp Nam

Tháp Nam cao 32,94m (còn nguyên vẹn nhất trong số ba tháp), bình đồ chân đế vuông, kích thước rộng 14m, phần nhô ra của cửa giả 0,76m. Khoảng cách giữa tháp Nam và tháp Giữa tại cửa giả là 1m. Tường được xây theo lối bẻ góc giật cấp nhô dần về phía cửa, vách tường trơn phẳng không có khung giữa và các đường gờ, phía trên được xử lý gờ lượn loe dần ra đỡ lấy diềm mái. Bộ diềm mái gồm hai đường bằng đá, diềm chính trang trí một dải hình Gajashimha (đầu voi mình sư tử), gờ lượn bên dưới trang trí những chấm tròn nổi kết dải… Ở tháp Nam, hiện còn khung cửa chính bằng đá sa thạch, nhưng vòm cửa chính cũng như các cửa giả mặt Nam và mặt Tây đã bị sụp đổ. Phần mái tháp cũng được tạo 4 tầng mái tương tự như tháp Giữa, bốn mặt có ô khám, phía trên là vòm trang trí, tất cả đều được làm bằng đá. Phần chân đế có hiện trạng sau:

Mặt phía Đông: phần đai ốp chân đế hầu như đã mất, hiện tại chỉ còn một đoạn phía Đông Bắc nối liền với cạnh phía Bắc.

Mặt phía Tây: cạnh phía Tây Nam, phần đai ốp đá bề ngoài đã bị mất chỉ còn phần gạch xây bên trong.

Mặt phía Bắc: đai ốp đá có chiều dài 14m. Tại cửa giả, chân đế cũng được xây nhô ra so với cạnh là 0,76m, bẻ góc thành hai cấp (cấp ngoài 0,42m, cấp trong 0,35m).

Mặt phía Nam: chân đế ốp bằng đá đã bị đào phá hoàn toàn, chỉ còn phần gạch bên trong. Phần sát thân tháp trước đây đã được gia cố bằng gạch, chạy bẻ góc thành những trụ ốp, nhô ra ngoài so với thân tháp.

3. Tháp Bắc:

Đây là tháp bị hư hại nặng nhất, thân tháp bị đục khoét sâu vào trong, nhưng đã được gia cố từ năm 1984. Tháp cao 31,76m, bình đồ vuông, kích thước tương đương với tháp Nam. Bố cục của phần xây ốp bên ngoài tương tự như tháp Nam, mặt tường trơn không trang trí hoa văn. Bộ diềm có dải trang trí hoa văn hình sư tử, mặt chính của bộ diềm trang trí một dải hình cung nhọn, mỗi hình được tạo bởi hai thân rắn đầu quay vào chân cung, chính giữa có hình người ngồi xếp bằng. Bộ nóc của tháp gồm 4 tầng vuông. Diềm mái tầng 1 được trang trí hoa văn hình cung như diềm mái tầng chính, nhưng kích thước nhỏ hơn. Các khám có vách bằng gạch, mi cửa trên trang trí những dải hoa văn lượn sóng. Cửa chính của tháp đã bị đổ, chỉ còn một phần vòm cửa bên trên, chân diềm vòm còn lại vài thanh đá gắn trên thân chính của tháp. Cửa giả phía Nam bằng đá, gồm ba phần, phần trước là một cái khám có hai trụ ốp lớn, đầu trụ đỡ một phiến đá nằm ngang, phiến đá được tạo những đường gờ trang trí tạo cho đầu trụ hơi loe rộng ra. Phía trên phiến đá cũng đỡ một mi cửa trang trí những hình người nhảy múa. Phần đai ốp chân đế có hiện trạng sau:

Mặt phía Đông: là cửa chính của tháp, dựa theo những dấu vết còn sót lại, thì chân đế phần cửa cũng được ốp đá, nhưng cả phần trụ cửa cũng như chân đế đều đã bị mất, chỉ còn sót hai tảng đá ở cạnh phía Đông Nam.

Mặt phía Tây: trong 3 tháp, tháp Bắc bị đục sâu vào trong chân đế nặng nhất, nên các mặt chân tháp đều đã được gia cố gạch, đai ốp đã bị mất, chỉ còn sót lại một số khối ở tầng đế, đoạn cửa giả và cạnh phía Tây Nam.

Mặt phía Bắc: đai ốp chân đế hầu như đã mất hoàn toàn, chỉ còn lại vài khối đá ở tầng đai cuối cùng, gồm hai khối ở góc chân cửa giả và một khối ở góc cạnh phía Đông Bắc.

Mặt phía Nam: hiện còn một đoạn đai ốp chân đế trước cửa giả và cạnh phía Đông Nam. Phần cửa giả bằng đá từ phần đế cho đến vòm cửa bên trên gần như còn nguyên vẹn, trừ phần đỉnh vòm bị mất. Từ dưới lên theo thứ tự là các bộ phận gồm chân đế, trụ cửa, mi cửa và trên cùng là các vòm cuốn. Phần đai ốp chân tháp đoạn cửa giả hiện còn 5 hàng đá hình hộp chữ nhật, chính giữa nhô ra, hai bên giật gấp khúc ôm vào chân tháp.

Trong khuôn viên di tích còn có hai kiến trúc bằng gạch nằm ở phía Tây được phát hiện qua kết quả khai quật khảo cổ:

* Kiến trúc 1: nằm cách tháp Nam khoảng 3m về phía Tây Bắc, trục giữa kiến trúc xuyên qua hành lang của tháp Giữa và tháp Nam, bố cục hình vuông, phía Đông có một kiến trúc hình chữ nhật nhỏ hơn xây nhô ra 3,16m, kích thước là 7,88m (Đông – Tây) và 7,52m (Bắc – Nam). Kiến trúc 1 được xây dựng trên nền đá ong, thấp hơn sàn gạch bao xung quanh khu tháp 15 – 20cm. Bên trên là lớp sàn được lát bằng hai lớp gạch dày khoảng 20cm phủ kín diện tích. Tường bao xung quanh cao 10 lớp gạch so với mặt sàn, mặt ngoài được xây giật cấp, ngay trên lớp sàn gồm 6 lớp gạch xây, bên trên xây giật vào khoảng 10cm với 4 lớp gạch, tường dày 40cm (tính tại các góc), đoạn giữa dày 75cm.

Như vậy, với những dấu tích còn sót lại, đây có thể là kiến trúc dạng đài thờ, hình dáng của nó giống như một Yoni với phần vòi hướng vào hành lang giữa tháp Nam và tháp Giữa.

* Kiến trúc 2: kích thước là 11,20m (Đông – Tây) và 9,72m (Bắc – Nam), nằm song song và cách Kiến trúc 1 khoảng 8m về phía Bắc, cách góc Tây Bắc của cửa giả tháp Giữa khoảng 3m. Đây là kiến trúc lộ thiên, có dạng hình vuông với phần phía trước xây nhô ra khoảng 1,12m. Về cơ bản, Kiến trúc 1 và Kiến trúc 2 có cùng phong cách kiến trúc Chămpa, với kỹ thuật gia cố móng bằng đá ong tương tự như ở cụm ba tháp, đều thuộc về tổng thể chung của Tháp Dương Long và có khả năng hai kiến trúc này được xây dựng trước ba tháp chính.

Thời kỳ Vijaya kéo dài gần 5 thế kỷ, dù đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng vẫn được coi là thời kỳ huy hoàng, phát triển toàn diện của dân tộc Chăm. Những dấu tích vật chất còn lưu lại ở Tháp Dương Long là nguồn tư liệu quý giá về lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, phản ánh phong phú đa dạng đời sống vật chất, tinh thần của người Chămpa, cũng như những mối quan hệ bang giao, kể cả những cuộc chiến tranh với các quốc gia lân cận, dẫn đến việc giao lưu giữa các nền văn hoá trong khu vực, đặc biệt là với quốc gia Khmer. Tháp Dương Long là biểu hiện độc đáo về nghệ thuật điêu khắc Chămpa, ngoài ra nghệ thuật kiến trúc và tạo hình ở đây cũng thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa của nghệ thuật Chămpa truyền thống và những thành tựu của các nền nghệ thuật trong khu vực.. Hiện vật được phát hiện tại di tích gồm nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, phong phú về loại hình, chất liệu, bao gồm: phù điêu Brahma, phù điêu Kala, vòm trang trí, phù điêu thần Indra, rắn Naga, Makara, cánh sen… Đó là một nền nghệ thuật giàu sức sống, đầy tính nhân văn và khát vọng, phản ánh tư duy trừu tượng, lãng mạn của con người khi lý giải về sự kỳ diệu của vũ trụ.

Với giá trị tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 )./.

Hình ảnh

Gọi ngay cho chúng tôi!